Phương Pháp Gia Cố Nền Đất Yếu Top – Base

Chia sẻ

Giới thiệu về gia cố nền móng Top – Base

Đây là một giải pháp giúp xử lý nền đất yếu và làm tăng khả năng tiếp nhận tải trọng của đất nền đồng thời làm giảm độ lún của nền và thời gian cố kết đất.

Kỹ thuật móng Top- Base (móng phễu) được ứng dụng rộng rãi ở Nhật Bản và Hàn Quốc cho hàng nghìn công trình. Tại Seoul nhiều chung cư 17-20 tầng thậm chí cao tới 30 tầng cũng đã được xây dựng trên nền móng Top- Base mà không cần dùng cọc.

Top- Base được công ty liên doanh TBS Việt Nam khai thác từ năm 2008 đến nay đã có hơn 50 công trình tại nhiều tỉnh trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Ninh, TPHCM…ứng dụng công nghệ này mang đến hiệu quả rất tốt.

Thêm vào đó, giải pháp hiệu quả tốt nhất đối với xây nhà nhiều tầng trên nền đất yếu của Việt Nam hiện nay là phối hợp móng nông gia cố Top- Base với một số cọc khác để vừa tiết kiệm cọc vừa giảm thời gian thi công lại nâng cao hiệu quả kinh tế.

Một số ưu điểm nổi bật của phương pháp gia cố nền đất yếu Top-Base

  • Xây dựng nhà nhiều tầng không dùng cọc bê tông hoặc dùng rất ít cọc bê tông
  • Giảm đi thời gian thi công cho phần gia cố nền trên 30%
  • Giảm giá thành lên đến 50%
  • Không gây ảnh hưởng đến các công trình xung quanh
  • Tiết kiệm cọc, giảm thời gian thi công và nâng cao hiệu quả kinh tế.
  • Thân thiện với môi trường

Công nghệ làm móng không dùng cọc Top – base

Hiện nay, ở nhiều công trình lớn thay vì làm móng bằng các phương pháp truyền thống như bê tông, cốt sắt, thì người ta đã ứng dụng các công nghệ làm móng mới vào để tiết kiệm chi phí.

Trong đó, công nghệ móng không dùng cọc Top-base là một phương pháp hữu hiệu, hiện đại, không những tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao chất lượng công trình xây dựng. Sử dụng công nghệ Top-base góp phần vào việc hạ giá thành và nâng cao ưu thế cạnh tranh cho ngành xây dựng hiện nay.

Top-base được xem như một sự đột phá trong công nghệ xây dựng mới, dùng để khắc phục tình trạng của nhiều khu đất yếu, cần được gia cố thêm mới để đảm bảo an toàn. Theo đó, phương pháp này có thể giảm được độ lún của đất, tăng khả năng chịu tải của nền móng.

Công nghệ Top-base được thi công bằng cách đặt những khối bê tông hình phễu trên nền đất yếu đã được nén chặt trong một lớp đá dăm. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, phương pháp mới này có thể tăng khả năng chịu tải của đất từ 50% đến 200% (hoặc có thể nhiều hơn), so với nền đất trước khi được gia cố.

Hiệu quả mang lại

Hiện nay có hai phương pháp trong làm móng không dùng cọc Top-base. Mỗi loại sẽ có những ưu nhược điểm riêng, tuy nhiên cả hai đều mang lại những hiệu quả nhất định.

  • Phương pháp thứ nhất là được đúc sẵn tại nhà máy. Hiệu quả mà nó mang lại là thời gian thi công nhanh, phù hợp với các công trình nhỏ.
  • Phương pháp thứ hai là được đổ bê tông tại chỗ. Hiệu quả phương pháp này mang đến là rẻ và dễ thực hiện hơn,,phù hợp với nhiều loại công trình xây dựng hơn.

Quy trình thi công móng Top – Base

Sau đây là tất cả các quy trình thi công móng Top-Base.

1.Công tác đào đất.

Đất sẽ được đào đến một độ sâu nhất định theo tính toán. Nếu hố đào sâu trên 1m thì công nhân xây dựng cần phải có biện pháp bảo vệ thành hố đào và thoát nước trong hố để đảm bảo điều kiện tốt nhất khi đặt móng phễu.

Nếu đáy hố được đào nằm ở trên mực nước ngầm đồng thời lớp đất ở nơi thi công bị rời rạc thì các công nhân cần phải làm chặt thêm lớp đất đáy hố móng và cần trải vải địa kĩ thuật trước khi đặt khối Top Block đã đúc sẵn.

2.Công tác lắp đặt Top-block

Cấu tạo của móng top base bao gồm nhiều khối bê tông có hình dạng giống con quay đứng thẳng hay còn gọi là Top Block. Chúng cần được lắp đặt sao cho độ cao của các móc thép gắn trên phễu bê tông phải bằng nhau. Phần thẳng đứng có dạng cọc (hay còn gọi là chân phễu) phải được chôn thật chặt và đóng vào nền đất theo phương thẳng đứng và vào những ô tam giác có trên lưới thép định vị.

Trong trường hợp nền đất quá cứng gây ra khó khăn cho việc đặt móng top base thì việc tạo lỗ trên nền đất là điều hết sức cần thiết. Phương pháp đơn giản nhất để tạo lỗ đút chân phễu chính là dùng trụ gỗ tròn có đường kính tương đương đặt vào nền rồi rút lên. Trong trường hợp này cũng có thể sử dụng máy khoan.

3.Đổ bê tông tại chỗ

Đây là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay do Hàn Quốc phát triển. Chúng linh hoạt, thuận tiện và hạn chế được tai nạn lao động một cách tối đa nhất. Để đầm chặt bê tông vào các phễu nhựa thì đội ngũ công nhân xây dựng có thể sử dụng đầm rung nếu máy trộn bê tông có độ sụt thấp. Ngoài ra công nhân cũng  có thể chỉ sử dụng đầm xẻng nếu máy bơm bê tông có độ sụt lớn.

4.Chèn đá dăm

Sau 24h đúc bê tông, công nhân xây dựng sẽ tiến hành chèn và đầm đá dăm để lấp đầy khoảng trống giữa các khối bê tông dạng phễu. Đây là một khâu vô cùng quan trọng bởi vì chúng góp phần quyết định chất lượng của kết cấu móng top base.

Công nhân cần phải tiến hành một cách cẩn thận và tỉ mỉ nhất có thể. Tùy vào khối lượng công việc mà công tác đầm đá dăm thường được thực hiện bằng cách dùng cọc thép hay thanh thép chọc thủ công, hoặc nếu khối lượng công việc lớn thì dùng đầm dùi động cơ.

5.Liên kết khóa đỉnh các khối phễu bằng những thanh cốt thép.

 Lưới thép được kết hợp với bê tông có tác dụng khóa chặt đỉnh các khối móng top base và tăng thêm khả năng chịu lực cho chúng. Sau khi đã lắp đặt xong thì các công nhân cần phải làm sạch các bề mặt của khối Top Block, đồng thời đổ thêm một lớp bê tông dày 100mm để toàn khối hóa toàn bộ công trình. Sau đó bàn giao chúng cho nhà thầu thi công kết cấu móng.

Xử lý cuối cùng trong quá trình thi công

Xử lý tình huống gặp phải

Một số tình huống trong thi công móng top-base mà các các chủ thầu thường gặp phải như chèn đá chưa đạt yêu cầu hay hố móng quá sâu…Dưới đây là những trường hợp thường gặp và cách giải quyết.

Lượng đá dăm không đạt yêu cầu: để tránh tình trạng này, công việc dầm đá chỉ thực hiện khi lượng đá dăm thừa để lấp đầy các khoảng trống giữa các phễu, ta hãy tiến hành công tác dầm một cách cẩn thận. Khi tiến hành dầm, nên dầm đều theo bốn hướng để tạo độ chắc chắn cho công trình.

Đặt phễu trên nền đất yếu: khi tiến hành lắp đặt các phễu trên nền đất yếu mà không dải lớp đá dăm, thì độ ổn định của top- base không cao, vì vậy sẽ làm cho các bước thi công tiếp theo gặp khó khăn. Do đó, cần tiến hành chèn đá dăm khi lắp đặt top-block để vừa tạo độ chắc chắn cho phễu vừa giúp gia cố nền đất yếu.

Nghiệm thu thi công

Đối với công nghệ xây dựng mới này, quá trình nghiệm thu và kiểm tra cần được tiến hành nghiêm ngặt hơn để báo đảm chất lượng cho toàn bộ công trình.

– Cần kiểm tra trên bề mặt của các top-block bằng bê tông xem có hư hại hay đứt gãy gì không. Nếu có cần tiến hành khắc phục ngay hoặc yêu cầu bên cung cấp phải làm lại.

– Cao độ lắp đặt và vị trí của từng phễu bê tông cần phải tuân theo sự sắp xếp trong bản thiết kế của kiến trúc sư.

– Khi tiến hành lắp đặt các top-base, cần phải chắc chắn được độ bằng phẳng và độ xoa nhẵn của bề mặt bê tông. Điều này giúp cho việc dễ làm sạch trước khi đổ bê tông khóa đỉnh top-block. Bạn nên kiểm tra chiều sâu vết chân còn sót lại, lấy đó làm căn cứ để cho phép trong khối bê tông đúc tại công trường là bằng một nửa chiều cao phần vành của top-block. Đồng thời bạn cũng nên điều chỉnh độ lệch phẳng của bê tông sao cho xấp xỉ khoảng độ 5%.

– Kiểm tra xem các khoảng trống được chèn đá dăm có chắc chắn hay không, có xuất hiện độ lún đá khi va chạm mạnh với lưới thép không…Sau khi đã xác định được công đoạn dầm đá là đạt yêu cầu, thì phải đảm bảo tiếp bề mặt trên giữa các phễu là ngang bằng với phễu bê tông.

Tiêu chuẩn kỹ thuật chung

Một số tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản giúp bạn đánh giá chất lượng của các phễu sau khi sản xuất đó là:

  • Hình dáng và kích cỡ của khối top-base nhất định phải là sản phẩm bê tông được đúc ngay tại chỗ và tuân theo chuẩn đề ra trong bản thiết kế.
  • Các khối bê tông top-base đúc tại chỗ phải được đảm bảo chất lượng với lớp bê tông trộn sẵn mác 100.
  • Độ bền nén của các khối bê tông dạng phễu cần phải đảm bảo lớn hơn 60kg/cm2. Điều này vô cùng quan trọng bởi vì nếu độ bền không đạt đúng chuẩn thì dễ dẫn đến độ lệch trong móng, gây nguy hiểm cho công trình đang xây dựng bên trên nó.
  • Các thanh thép đặt ở đỉnh dùng để gia cường và một số thanh thép khác dùng định vị ở phía dưới top-base cần phải có đường kính là 12mm, để cố định và giữ chắc chắn các phễu này trong suốt quá trình tiến hành thi công.
  • Kích thước của các cốt liệu dùng để chèn khe giữa các phễu phải là loại đá dăm nhỏ có đường kính tầm 25 mm trở xuống.

Lưu ý khi áp dụng công nghệ xây dựng mới Top – Base

Trong quá trình thiết kế: khi tiến hành thiết kế một lớp top-base nhưng chưa thể đáp ứng được các yêu cầu do tải trọng thiết kế quá lớn. Bạn có thể thiết kế top-base theo hai lớp hoặc mở rộng diện tích bố trí hơn so với thiết kế ban đầu.

Chú ý rằng, khi bạn áp dụng phương pháp mở rộng diện tích thi công, thì bạn chỉ có thể đặt các phễu nhô lên một nửa so với chiều cao của phễu ở phần đáy móng. Sau đó, tiến hành đổ thêm một lớp mỏng bê tông lên phía trên của top-base, để tải trọng có thể được phân bố đều trên các mặt phễu.

Trong quá trình thi công: khi tiến hành thi công top-base ở nền đất có bùn (như đất ruộng). Do địa hình có độ lún cao nên sau khi đào vét thì cần phải rải một lớp vải địa ở dưới bề mặt đáy nhằm giữ sạch bề mặt trong quá trình thi công lắp đặt.

Còn đối với nền đất cứng hơn, bạn cần phải dầm chặt để bề mặt phẳng cốt dễ dàng hơn trong việc đặt các top-base.

Kết luận

Sự gia tăng dân số ngày càng nhanh đi kèm với sự phát triển của các hoạt động sản xuất kinh doanh…khiến nhu cầu sử dụng đất ngày một tăng cao. Điều này đặt ra yêu cầu con người cần phải cải tạo những vùng đất yếu để phục vụ cho xây dựng sao cho đảm bảo an toàn mà vẫn tiết kiệm. Top-base là một công nghệ xây dựng mới đáp ứng tất cả những tiêu chí trên, vì vậy mà đang ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong xây dựng.

Bình Luận